Tư vấn hôn nhân và gia đình - Dịch vụ tư vấn pháp luật Tia Sáng

https://tiasanglaw.com

Tư vấn hôn nhân và gia đình - Dịch vụ tư vấn pháp luật Tia Sáng

Tư vấn hôn nhân và gia đình - Dịch vụ tư vấn pháp luật Tia Sáng

Những điều cần biết khi ly hôn

Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng êm ấm đẹp đẽ, khi mà cả hai đã trở nên khác biệt về tâm hồn và lối sống, không thể lắng nghe và thấu hiểu cho nhau, luôn cảm thấy ngột ngạt trong cuộc sống gia đình, thì ly hôn là cách giải quyết tốt cho cả hai phía. Vậy khi ly hôn cần lưu ý những điều gì? Hãy cùng Luật Tia Sáng tìm hiểu về vấn đề của vợ chồng khi ly hôn.

       

1.      Thuận tình ly hôn

2.      Ly hôn đơn phương

2.1    Về quan hệ con chung

2.2    Về tài sản chung

2.3    Về nợ chung

3.      Hướng dẫn chi tiết thủ tục ly hôn năm 2021

1.   Thuận tình ly hôn

    Thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng  khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản (hoặc đồng ý tách riêng yêu cầu chia tài sản vợ chồng thành một vụ án khác sau khi đã ly hôn). Tòa án sẽ thực hiện theo thủ tục ly hôn thuận tình. Tòa án ra quyết định công nhận đồng thuận ly hôn.

Điều kiện để yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn:

Là khi hai vợ chồng tiến hành kí vào đơn ly hôn thì cả hai đã phải thống nhất và tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc:

+ Đồng ý chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai bên vợ và chồng;

+ Thống nhất về việc phân chia tài sản chung hoặc giải quyết các khoản nợ chung trong thời kì hôn nhân;

+ Thỏa thuận với nhau về quyền trực tiếp nuôi con, bên cấp dưỡng (hoặc tự nguyện không yêu cầu tòa giải quyết)...

2.  Ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn  phương là trường hợp ly hôn xuất phát từ ý chí một bên (vợ hoặc chồng). Người nộp đơn ly hôn cần chứng minh việc ly hôn là có căn cứ; Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Bên yêu cầu ly hôn phải đưa ra được các căn cứ, bằng chứng xác thực thì Tòa án mới xem xét chấp nhận giải quyết ly hôn.

Những vấn đề chính khi đơn phương ly hôn gồm: Con chung, Tài sản chung và Nợ chung.

2.1   Về con chung

Căn cứ Khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân gia đình 2014 đề cập đến các trường hợp được xem là con chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, đó là:

-   Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng;

-  Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân;

-  Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Vậy, sau khi ly hôn vấn đề con chung sẽ được giải quyết như thế nào?

Đối với ly hôn đơn phương và tranh chấp quyền nuôi con thì xảy ra các trường hợp sau đây:

·          Khi con dưới 36 tháng tuổi thì theo nguyên tắc chung, người mẹ được quyền nuôi con. Trừ trường hợp người mẹ không đủ khả năng về nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì người bố sẽ có quyền nuôi con.

·          Khi con trên 36 tháng tuổi thì sẽ xem xét về điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần giữa người bố và người mẹ. Bên nào có khả năng tạo điều kiện cho người con phát triển tốt nhất thì toà sẽ giành quyền nuôi con cho bên đó.

·          Khi con trên 7 tuổi thì sẽ hỏi ý kiến của người con.

Điều kiện để giành nuôi con khi ly hôn:

 Điều kiện về vật chất (kinh tế):

Vợ/Chồng phải chứng minh được mình có đầy đủ các điều kiện về vật chất như: Thu nhập thực tế; Công việc ổn định; Có chỗ ở ổn định (nhà ở hợp pháp)….

Người Vợ/Chồng phải có điều kiện về tài chính hơn so với người còn lại, mức thu nhập, nơi cư trú của bạn phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, học tập và vui chơi cho cháu bé.

 Điều kiện về tinh thần:

Các điều kiện về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ…

2.2  Về tài sản chung

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây (Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân Gia đình 2014):

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, tài sản chung giữa hai vợ chồng sẽ được chia đôi, tuy nhiên Tòa án vẫn sẽ dựa vào các yếu tố như hoàn cảnh của các bên, công sức đóng góp của các bên vào tài sản chung đó, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên, lỗi của các bên. Và công sức đóng góp của các bên ở đây là một vấn đề phức tạp, do đó cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện từ nguồn gốc hình thành tài sản cho đến việc duy trì, phát triển tài sản đó.

2.3 Về nợ chung

Khi vợ chồng ly hôn, một trong những vấn đề phải giải quyết đó là xác định nghĩa vụ thanh toán nợ của từng người. Về nguyên tắc, tài sản chung sẽ thanh toán cho các nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; Nếu không thỏa thuận được thì đề nghị Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào bằng chứng, lời khai để đánh giá, kết luận có hay không việc vay nợ; mục đích vay nợ, việc dùng tài sản vay nợ cho nhu cầu chung của gia đình, hay nhu cầu riêng của vợ, hoặc chồng. Theo đó, những khoản nợ do hai vợ chồng xác lập trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc các mục đích chung của cả hai vợ chồng như cùng đầu tư, kinh doanh,.... sẽ được coi là khoản nợ chung và có nghĩa vụ cùng phải thanh toán khi giải quyết ly hôn.

3. Hướng dẫn chi tiết thủ tục ly hôn 2021

3.1 Chuẩn bị các loại giấy tờ

Về cơ bản thì các loại giấy tờ dùng trong trường hợp đơn phương ly hôn hoặc thuận tình ly hôn đều giống nhau. Những giấy tờ cần thiết gồm:

·          Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

·          Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

·          Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

·          Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

·          Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực)…

Trường hợp không giữ Giấy chứng nhận kết hôn thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao.

Trường hợp không có Chứng minh nhân dân của vợ/chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.

3.2 Nộp đơn ly hôn 2021 ở đâu?

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn cấp sơ thẩm.

Đối với trường hợp thuận tình ly hôn: Điểm h, khoản 2 Điều 39 Bộ Luật Tố Tụng dân sự 2015 quy định: “Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.” Như vậy, nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.

Đối với trường hợp đơn phương ly hôn: Điểm a, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Do đó, trong trường hợp đơn phương ly hôn, Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết sẽ là nơi bị đơn cư trú, làm việc.

3.3 Thời gian giải quyết ly hôn 2021 là bao lâu?

Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, thời gian giải quyết của một vụ ly hôn thuận tình kéo dài khoảng 02 – 03 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn.

Trong trường hợp đơn phương ly hôn, thời gian giải quyết kéo dài hơn, có thể từ 04 – 06 tháng. Trên thực tế, do có thể phát sinh những tranh chấp về quyền nuôi con, về tài sản thì thời gian giải quyết còn có thể kéo dài hơn.

Công ty Luật Tia Sáng tự tin với đội ngũ Luật sư và Chuyên gia pháp lý có bề dày kinh nghiệm trong các lĩnh vực: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Hôn nhân gia đình, Đất đa, Sở hữu trí tuệ,… Luật Tia Sáng cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho quý khách hàng trong và ngoài nước dịch vụ pháp lý chất lượng cao, đúng quy định pháp luật và đảm bảo tốt nhất về quyền và lợi ích hợp pháp của Quý khách hàng.

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý khách vui lòng liên hệ với Luật sư, Chuyên gia của Công ty Luật Tia Sáng qua số điện thoại:

0989.072.0790906.219.287   E-mail: tiasanglaw@gmail.com

 

 

Đăng ký để được tư vấn

Đăng ký tư vấn