TUNG TIN ĐỒN GIẢ VỀ VIRUSS CORONA ĐỂ CÂU LIKE PHẢI XỬ LÝ NGHIÊM
Liên quan đến thông tin về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), những ngày vừa qua, trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh nCoV, những thông tin này phần nào đã khiến người dân bị hoang mang, lo lắng. Đáng chú ý, cơ quan chức năng của TP.HCM đã mời cả những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên đã đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh nCoV….
Dịch bệnh có tính chất toàn cầu, lây lan đe dọa tính mạng con người không thường xuyên diễn ra, bởi vậy nhiều người không hiểu hết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này nên có thái độ thờ ơ, thậm chí mang chuyện dịch bệnh ra để đùa cợt, lợi dụng tình trạng dịch bệnh để câu like, thu hút người theo dõi trang cá nhân trên MXH của mình. Bởi vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều tin giả, tin xấu, độc hại về dịch bệnh do virus nCoV gây ra.
Ngày nay, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nó là phương tiện để bày tỏ tình cảm, thái độ, cảm xúc, là nơi giao lưu kết nối không giới hạn. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng không ít, mặc dù Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, các nghị định về việc quản lý, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí đã bổ sung nhiều chế tài hình sự vào Bộ luật hình sự năm 2015.
Hành vi tung tin giả, tin sai sự thật còn nhằm thu hút lượng người theo dõi, tương tác để trở nên nổi tiếng hơn trên mạng xã hội, đồng thời hành vi này có thể gây ra những hoang mang, hoảng loạn trong xã hội, gây hoài nghi và lo lắng cho nhiều người…
Các đối tượng tung tin đồn, xuyên tạc, tung các tin giả, tin độc hại trên MXH có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là khi có dịch bệnh bùng phát thì những tin giả, tin xuyên tạc về dịch bệnh, về nạn nhân tử vong, những hình ảnh kinh dị, ám ảnh… sẽ tác động tiêu cực đến xã hội, khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi mà có những phản ứng tiêu cực, xảy ra những hiệu ứng đám đông, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc xử lý nghiêm những hành vi tung tin giả, tin xấu, tin độc hại trên MXH trong thời điểm có dịch bệnh là cần thiết hơn lúc nào hết. Đây là những việc làm tích cực, cần thiết, kịp thời, cùng với các biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu, tuân thủ pháp luật, để ổn định tình hình về dư luận xã hội.
Những thông tin mang tính chất cá nhân trên MXH đều là những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kể cả người đưa tin là “người của công chúng”. Những ca sĩ, người mẫu, những người có sức ảnh hưởng trong xã hội mà tung tin đồn, tin giả thì càng nguy hại hơn bởi rất dễ làm cho những người hâm mộ tin theo.
Bởi vậy, với những người nổi tiếng mà tung tin thất thiệt trên mạng xã hội thì hành vi này sẽ tác động xấu, tiêu cực nhanh chóng tới xã hội, đồng thời hành vi vi phạm này phải bị xử lý nghiêm minh hơn những người dân bình thường khác.
Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để xử phạt
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng để quản lý thông tin, đảm bảo thông tin trên không gian mạng được kiểm soát một cách tốt nhất nhằm phục vụ quyền và lợi ích pháp của tổ chức, của cá nhân công dân và để đảm bảo lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế. Điểm d, Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng) Luật an ninh mạng 2018: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
Ngoài Luật an ninh mạng tạo ra hành lang pháp lý cho hành vi của tổ chức, cá nhân trong không gian mạng thì pháp luật Việt Nam còn nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết, quy định trong từng lĩnh vực; Có nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện để xử lý những hành vi vi phạm hành chính. Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, nhiều tội danh đã được liệt kê, mô tả và quy định mức chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Ngoài hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh thì Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, bổ sung nhân tài, vật lực cho Bộ thông tin, truyền thông và các cơ quan có liên quan… Việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các hành vi vi phạm trên không gian mạng là tích cực, quyết liệt và có hiệu quả, chứ không thể nói là thờ ơ, đánh trống bỏ dùi được.
Luật sư Thủy Nguyễn
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG chia sẻ thông tin hữu ích đến mọi người nhằm tránh bị vướng vào vòng lao lý.