Bộ luật thừa kế mới nhất 2022: Quy định luật thừa kế đất đai, tài sản

https://tiasanglaw.com

Bộ luật thừa kế mới nhất 2022: Quy định luật thừa kế đất đai, tài sản

Quy định về thừa kế đất đai, tài sản theo Bộ luật dân sự mới nhất năm 2022

Lịch sử Luật thừa kế trả qua nhiều giai đoạn phát triển 1995, 2003, 2005, 2015, 2020, 2022. Mỗi giai đoạn có sự thay đổi mới nhất. Tia Sáng chia sẻ các quy định để khách hàng tìm hiểu luật thừa kế, hình thức thừa kế, hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Dịch vụ tư vấn thừa kế đất đai, tài sản.

1. Thừa kế là gì theo quy định của Luật Dân sự Việt Nam?

Theo quy định tại Bộ luật dân sự, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. Thừa kế theo di chúc được quy định tại chương XXII của Bộ luật dân sự năm 2015.

Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được quy định tại chương XXIII của Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Thừa kế đất đai bắt đầu từ năm nào?

Thừa kế được hiểu là việc dịch chuyển tài sản của một người đã mất sang cho người còn sống, tài sản có thể là tiền, nhà cửa, đất đai… Thực tế cho thấy có những trường hợp người được hưởng thừa kế lại chết trước hoặc chết cùng lúc với người để lại di sản. Vậy thì thừa kế bắt đầu từ năm nào? Việc thừa kế đã có từ xưa, tuy nhiên chỉ đến khi Bộ luật dân sự năm 1995 ra đời thì việc thừa kế mới được hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật.

Pháp luật quy định rất rõ quyền thừa kế của cá nhân hay quyền bình đẳng về thừa kế. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân thì đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 611 Bộ luật Dân sự quy định về Thời điểm, địa điểm mở thừa kế:

“1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản."

3. Lịch sử hình thành các quy định của pháp luật về thừa kế.

Pháp luật về thừa kế của chế độ phong kiến Việt Nam và thời kỳ Pháp thuộc

Trong Bộ luật Hồng Đức có quy định các con (con trai, con gái, con nuôi) đều có quyền thừa kế của cha mẹ. Mọi người đều có quyền để lại hương hoả cho con cháu. Điều 390 của Bộ luật quy định : “Cha mẹ làm chúc thư phân chia tài sản, thiết lập hương hoả trong chúc thư”. Vấn đề thừa kế theo di chúc đã được đề cập đến như Điều 388 quy định: “Nếu có mệnh lệnh của cha mẹ, phải theo đúng. Vi phạm điều này sẽ mất phần của mình”. Đến triều đại nhà Nguyễn, Bộ luật Gia Long không thừa nhận quyền thừa kế của con gái mà chú trọng đến quyền lợi của con trai. Xét về mặt nội dung,các quy định về thừa kế trong luật Hồng Đức và Gia Long tương đối chặt chẽ và đầy đủ.

Thời kỳ Pháp thuộc, ở Việt Nam áp dụng các bộ luật sau : Dân luật Bắc kỳ 1931 và Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật 1936. Trong các bộ luật này đều có các quy định về thừa kế theo di chúc và theo pháp luật.

Giai đoạn từ năm 1945 đến 1959

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 97/SL về việc sửa đổi một số quy lệ và chế định trong luật dân luật, quy định một số nguyên tắc mới để áp dụng trong điều kiện của nền dân chủ nước ta. Riêng trong lĩnh vực thừa kế đã quy định vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau; con trai, con gái đều có quyền thừa kế di sản của cha mẹ; chồng goá, vợ goá, các con đã thanh niên có quyền xin chia di sản; con, cháu hoặc vợ goá, chồng goá không bắt buộc phải nhận thừa kế của người đã chết; các chủ nợ của người đã chết không có quyền đòi người thừa kế phải thanh toán nợ quá phần di sản mà người đó nhận được.

Giai đoạn từ 1959-1980

Hiến pháp năm 1959 đã công nhận vấn đề thừa kế thành nguyên tắc, Điều 19 quy định : “Nhà nước chiếu theo pháp luật, bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân”. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: “Các con đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong gia đình và trong việc hưởng thừa kế, không phân biệt con trai, con gái, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi”… Toà án nhân dân tối cao ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn. Thông tư Số 549 NCPL ngày 27/8/1968 hướng dẫn đường lối xét xử các việc tranh chấp về thừa kế; Thông tư Số 02 TATC ngày 02/8/1973 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế di sản liệt sĩ…

Giai đoạn từ 1980 đến nay

Hiến pháp năm 1980, Điều 27 ghi nhận: “Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân”. Để phục vụ cho công tác xét xử, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 81 ngày 24/7/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế (Di sản thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, phân chia di sản thừa kế,…). Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã quy định một số điều liên quan đến quyền thừa kế của vợ, chồng (Điều 14, Điều 16, Điều 17…). Ngày 30/8/1990, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh về thừa kế. Đến năm 1995, chế định về thừa kế được quy định tại phần thứ tư của Bộ Luật Dân sự đầu tiên của nước ta, kế thừa hầu hết các quy định của Pháp lệnh về thừa kế 1990. Ngoài ra có bổ sung một số vấn đề mới trong lĩnh vực thừa kế, đặc biệt là việc thừa kế quyền sử dụng đất của cá nhân và thành viên của hộ gia đình. Phần thứ tư của Bộ luật Dân sự năm 2005 về cơ bản vẫn giữ nguyên tinh thần của Bộ luật dân sự năm 1995 về thừa kế bên cạnh một số thay đổi để phù hợp với thực tiễn thi hành pháp luật.

4. Quyền thừa kế là gì?

Quyền thừa kế là quyền lập di chúc để định đoạt tài sản sau khi chết của cá nhân, quyền để lại di sản cho người thừa kế theo pháp luật của cá nhân, quyền hưởng di sản của người đã chết theo di chúc hoặc theo pháp luật.

5. Các hình thức thừa kế

Hai hình thức thừa kế theo pháp luật dân sự hiện nay là: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Theo Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015, việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau:

▪ Không có di chúc.

▪ Di chúc không hợp pháp.

▪ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

▪ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản bao gồm:

▪ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc

▪ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

▪ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

6. Phân biệt các hình thức thừa kế

Tiêu chí Thừa kế theo di chúc Thừa kế theo pháp luật
Khái niệm Là thừa kế theo ý chí nguyện vọng của người để lại di sản trước khi chết. Là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định
Đối tượng hưởng thừa kế Theo ý chí, nguyện vọng của cá nhân khi lập di chúc, người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Các cá nhân có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản.
Hình thức Phải được lập bằng văn bản, nếu không lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng. Không được lập thành văn bản. Nếu có tranh chấp thừa kế thì theo quyết định của tòa án về phân chia di sản.
Phân chia di sản thừa kế Phân chia di sản thừa kế sẽ dựa vào ý chí của người để lại di sản được thể hiện thông qua di chúc. Di sản thừa kế được phân chia theo hàng thừa kế. Những người cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Áp dụng thừa kế thế vị Không áp dụng thừa kế thế vị. Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.
Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
 

7. Quy định về thừa kế đất đai, tài sản theo di chúc mới nhất

Dưới đây là những thông tin về điều kiện chi tiết để di chúc thừa kế đất đai hợp pháp:

Căn cứ Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp, di chúc thừa kế đất đai cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

▪ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

▪ Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

▪ Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

▪ Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

▪ Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự.

▪ Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, theo quy định của luật, di chúc miệng vẫn được công nhận nếu có mặt người làm chứng, di chúc được người làm chứng ghi chép lại cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

8. Quy định về thừa kế đất đai, tài sản không có di chúc

Trong trường hợp không có di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Dưới đây là những quy định về thừa kế đất đai, tài sản không có di chúc để bạn tham khảo và áp dụng vào thực tiễn.

8.1. Chia thừa kế đất đai theo quy định pháp luật

Điều kiện áp dụng:

▪ Không có di chúc để lại;

▪ Di chúc để lại không hợp pháp;

▪ Những người thừa kế theo di chúc để lại chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người đã lập di chúc; tổ chức, cơ quan kế thừa không còn vào thời điểm mở kế thừa;

▪ Những người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc từ chối quyền nhận thừa kế di sản hoặc người không có quyền hưởng di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau:

▪ Phần di sản còn lại không được định đoạt trong di chúc;

▪ Phần di sản sản không có hiệu lực pháp luật được để lại trong di chúc;

▪ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ từ chối nhận di sản, không có quyền hưởng di sản theo pháp luật, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập ra di chúc, liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Theo điều 676 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các hàng thừa kế:

hàng thừa kế trong bộ luật dân sự thừa kế tài sản đất đai

- Những người có quyền thừa kế trong luật đất đai cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định về thừa kế đất đai mới nhất, khi chồng chết, vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ là hàng thừa kế thứ nhất. Tiếp đó, hàng thừa kế theo luật đất đai thứ 2 là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết và hàng thừa kế thứ 3 theo luật thừa kế đất đai nhà cửa là cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết.

Căn cứ theo Điều 656 Bộ luật dân sự 2015 quy định về họp mặt những người thừa kế, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

▪ Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

▪ Cách thức phân chia di sản.

▪ Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế, và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế, hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.

Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

▪ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

▪ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

▪ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

▪ Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

8.2. Chia thừa kế đất đai theo di chúc

Bạn là người đứng tên thừa kế di sản trong di chúc để lại, để không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào về sau cần phải làm hồ sơ thủ tục khai nhận tài sản. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế là đất đai gồm có:

+ Bản sơ yếu lý lịch của người nhận di sản thừa kế;

+ CMND/hộ chiếu, sổ hộ khẩu của người nhận di sản và người để lại di sản;

+ Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền trong trường hợp thực hiện giao dịch qua người đại diện;

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất đứng tên người để lại di sản;

+ Bản di chúc gốc hợp pháp.

9. Thủ tục thừa kế tài sản, đất đai, nhà ở mới nhất năm 2022

Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất, nhà ở là một thủ tục tương đối phức tạp với nhiều bước khác nhau.

Quý khách hàng có thể tham khảo chi tiết thủ tục nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo di chúc: MỤC 5 TẠI ĐÂY

Tham khảo Thủ tục khai di sản thừa kế là đất đai của bố mẹ không có di chúc theo pháp luật thừa kế: MỤC 10 TẠI ĐÂY

10. Luật sư Tia Sáng tư vấn thừa kế tài sản

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ tuyệt đối các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Những tài sản này không mất đi mà sẽ được chuyển dịch từ người này qua người khác, và khi chết con người có quyền để lại thừa kế cho những người đang sống.

Tư vấn về thừa kế tài sản là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ trong quan hệ dân sự. Tư vấn thừa kế về tài sản sản bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung sau đây:

▪ Dịch vụ tư vấn thừa kế tài sản theo di chúc: Thủ tục để làm di chúc theo đúng quy định của pháp luật về thừa kế để có bản di chúc hợp pháp, đảm bảo tính hiệu lực của di chúc. Tư vấn các vấn đề liên quan đến lập di chúc cho tài sản khác.

▪ Dịch vụ tư vấn thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc;

▪ Tư vấn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc;

▪ Tư vấn thừa kế tài sản theo pháp luật;

▪ Dịch vụ tư vấn thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc;

▪ Tư vấn về thừa kế thế vị (nếu có);

▪ Tư vấn về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ, quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế;

▪ Tư vấn về việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng chia tài sản chung, đang thực hiện thủ tục ly hôn, đã kết hôn với người khác;

▪ Tư vấn về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế;

▪ Tư vấn cách thức xác định nghĩa vụ tài sản do người chết để lại;

▪ Tư vấn cách thức xác định người quản lý di sản, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản;

▪ Tư vấn xác định việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm (nếu có);

▪ Tư vấn giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản.

Trên đây là toàn bộ những thông tin tìm hiểu quy định về thừa kế. Quý khách có những thắc mắc pháp luật liên hệ với Tia Sáng theo thông tin sau:

11. Thông tin liên hệ

Công ty Luật TNHH MTV TIA SÁNG

Địa chỉ: Phòng 2.3, tầng 2 tòa nhà Indochina. Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. ĐaKao, Q.1, TP. HCM

Phone: 0989.072.079 | 0906.219.287

Email: tiasanglaw@gmail.com

 

Đăng ký tư vấn