Tìm hiểu quy định luật thừa kế mới nhất đất đai năm 2020

https://tiasanglaw.com

Tìm hiểu quy định luật thừa kế mới nhất đất đai năm 2020

Tìm hiểu quy định luật thừa kế mới nhất đất đai năm 2020

Nhà đất là một trong những loại di sản thừa kế phổ biến và có giá trị nhất. Năm 2020 có rất nhiều khách hàng quan tâm về quy định thừa kế nhà đất, quyền sử dụng đất. Vậy, điều kiện để thừa kế nhà đất, quyền sử dụng đất là như thế nào. Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây

luật thừa kế 2020

1. Thừa kế quyền sử dụng đất là gì?

Thừa kế quyền sử dụng đất được hiểu là việc chuyển quyền sử dụng đất của người đã chết sang cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai. Theo quy định hiện nay của Bộ luật dân sự và Luật đất đai thì thừa kế là một quan hệ xã hội và quyền sử dụng đất được coi là di sản thừa kế.

2. Nội dung quy định về thừa kế quyền sử dụng đất mới nhất năm 2020:

Có thể thấy, thừa kế quyền sử dụng đất là một hình thức đặc biệt của chuyển quyền sở hữu đất đai. Chỉ khác ở chỗ quan hệ này giới hạn phạm vi chủ thể thực hiện (người được hưởng thừa kế). Thường thì, chỉ những người có quan hệ thừa kế với nhau mới được thừa kế quyền sử dụng đất, trừ khi người chết có để lại di chúc muốn chuyển quyền sử dụng đất cho người ngoài (không có quan hệ thừa kế). Việc thừa kế quyền sử dụng đất sẽ không bị tính thuế thu nhập

2.1. Đối tượng được để thừa kế quyền sử dụng đất:

– Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật;

– Thành viên trong hộ gia đình được Nhà nước giao đất.

Khác với cá nhân, khi thành viên còn sống thì quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình nhưng nếu thành viên chết đi thì một phần quyền sử dụng đất trong tài sản chung của hộ được chuyển vào khối tài sản thuộc di sản thừa kế và được chuyển giao cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người nhận thừa kế có thể nhập tài sản được thừa kế vào khối tài sản chung của hộ gia đình hoặc giữ làm tài sản riêng của mình. Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Nếu không thuộc đối tượng nói trên thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.

Như vậy, so với trước đây, pháp luật đã mở rộng quyền đối với người sử dụng đất trong trường hợp được để thừa kế quyền sử dụng đất cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật mà không có sự phân biệt giữa cá nhân sử dụng đất hay thành viên trong hộ gia đình được Nhà nước giao đất. Sự đảm bảo quyền lợi này cho thành viên trong hộ gia đình trong quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất là một điều kiện hết sức quan trọng nhằm tạo cho người sử dụng đất tâm lí yên tâm ổn định và khuyến khích họ tăng cường sự đầu tư vào đất đai để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đất. Đặc biệt, Luật đất đai đã mở rộng đối tượng được nhận thừa kế quyền sử dụng đất bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Sự ghi nhận này thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước, khuyến khích đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước.

2.2. Điều kiện để thừa kế quyền sử dụng đất:

a) Điều kiện chung

– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa nhà nước với Người sử dụng đất. Thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà nước xác lập mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đất đai với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước chuyển giao quyền sử dụng đất. Nhằm có đầy đủ các căn cứ pháp lý để thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai, tạo cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Người sử dụng đất. Dù nhận quyền sử dụng đất dưới hình thức nào thì căn cứ rõ ràng nhất để xác định chủ thể có quyền sử dụng đất hợp pháp là chủ thể sử dụng phải đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, giấy chứng nhận còn có ý nghĩa xác định phạm vi, giới hạn sự tác động đến đất đai của Người sử dụng đất thông qua các nội dung: mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng, diện tích sử dụng,… được ghi nhận trên giấy.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là điều kiện hình thức vô cùng quan trọng, tuy nhiên, điều kiện này không mang tính tuyệt đối với thừa kế quyền sử dụng đất. So với các hình thức chuyển quyền sử dụng đất khác thì có thể xem đây là một sự “ưu tiên” dành cho thừa kế quyền sử dụng đất. Bởi hiện nay, Người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nguyên nhân của sự khác biệt này xuất phát từ bản chất của thừa kế quyền sử dụng đất, đây là hành vi pháp lý đơn phương, không mang tính chất trao đổi, chỉ phát sinh khi Người sử dụng đất chết mà sự sống chết của con người không thể lường trước được, cho nên không thể yêu cầu họ phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi mới được chết, cũng như không thể phủ nhận hoàn toàn công sức tạo lập tài sản của họ khi còn sống chỉ với lý do không có Giấy chứng nhận.

– Đất không có tranh chấp: Đất không có tranh chấp là đất mà tại thời điểm thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, các chủ thể sử dụng đất không có sự bất đồng với nhau trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích đất đó và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đó. Khi thực hiện quyền thừa kế, người nhận thừa kế sẽ chứng minh đất không bị tranh chấp thông qua việc cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ hợp lệ có liên quan đến quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, về phía cơ quan Nhà nước khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất cũng có trách nhiệm kiểm tra tình trạng đất có bị tranh chấp hay không thông qua các giấy tờ, hồ sơ có liên quan.

Đây là quy định nhằm xác định rõ tư cách pháp lý của chủ thể thực hiện quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ. Về nguyên tắc, một chủ thể chỉ được hưởng và được thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất đối với diện tích đất mà mình có quyền sử dụng. Đồng thời, di sản thừa kế phải là tài sản của người chết, do đó, khi chưa xác định được ai là chủ sở hữu của quyền sử dụng đất thì không thể xem quyền sử dụng đất đang có tranh chấp là di sản thừa kế. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp đất đai, tránh những rắc rối, hệ lụy phát sinh sau này.

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án: Kê biên là một hoạt động cưỡng chế nhằm đảm bảo việc thi hành án trong lĩnh vực tư pháp khi chủ thể có nghĩa vụ tài sản không tự nguyện thực hiện. Quyền sử dụng đất bị kê biên vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Người sử dụng đất nhưng quyền của họ đã bị hạn chế vì hành vi vi phạm pháp luật của mình. Lúc này, Người sử dụng đất không thể tự mình thực hiện quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất nữa, bởi tài sản này đã đặt dưới sự giám sát cơ quan thi hành án, nhằm tiến hành hoạt động bán đấu giá để hoàn thành nghĩa vụ của Người sử dụng đất đối với người được thi hành án. Khi một người chết đi thì nghĩa vụ tài sản của họ để lại vẫn phải được thực hiện bằng chính tài sản do họ tạo lập khi còn sống. Như vậy, quyền sử dụng đất bị kê biên vẫn sẽ phải bán đấu giá để hoàn thành nghĩa vụ tài sản cho người được thi hành án.

– Quyền sử dụng đất còn thời hạn sử dụng: Quy định thời hạn sử dụng đất là cách thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai của Nhà nước. Khi hết thời hạn sử dụng mà Người sử dụng đất không được gia hạn thì quyền sử dụng đất sẽ bị Nhà nước thu hồi, lúc này, quyền sử dụng đất của Người sử dụng đất chấm dứt. Và đương nhiên khi đó họ không còn là chủ thể có quyền sử dụng đất để có thể thực hiện được quyền thừa kế quyền sử dụng đất. Do đó, chỉ khi quyền sử đất còn thời hạn sử dụng thì mới có thể để thừa kế.

Vì quyền sử dụng đất thừa kế phải còn thời hạn sử dụng nên thời hạn còn lại đó cũng chính là thời hạn được sử dụng đất của người nhận thừa kế. Thời hạn sử dụng đất là một chế định cơ bản của pháp luật đất đai, có tác động trực tiếp đến quyền sử dụng đất. Nên việc biết rõ thời hạn sử dụng đất được nhận thừa kế sẽ giúp cho người thừa kế xem xét, cân nhắc, đưa ra kế hoạch đầu tư đúng đắn, phù hợp trên mảnh đất đó.

b) Điều kiện riêng

– Điều kiện về chủ thể: Chủ thể để thừa kế quyền sử dụng đất phải là thực thể có sự sống chết về mặt sinh học và có quyền sử dụng đất một cách hợp lệ, hợp pháp. Quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất chỉ phát sinh khi người để thừa kế chết, nghĩa là, chủ thể có quyền phải là những thực thể có sự sống chết. Vì vậy, trong quan hệ này chủ thể có quyền được pháp luật quy định chỉ có thể là cá nhân, hoặc thành viên hộ gia đình, không có chủ thể là pháp nhân như các giao dịch khác. Bên cạnh đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam cũng có quyền để thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở

– Điều kiện về hình thức sử dụng đất: Người sử dụng đất dưới hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm chỉ có quyền sử dụng đất trong thời gian ngắn và muốn đảm bảo quyền sử dụng đất được liên tục thì họ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính mỗi năm. Nhận thấy tính chất tạm thời, không ổn định của hình thức này nên pháp luật không cho phép Người sử dụng đất được để thừa kế. Tuy nhiên, để tạo cho Người sử dụng đất trả tiền thuê đất hằng năm tâm lý thoải mái yên tâm lao động sản xuất, cũng như đảm bảo quyền lợi tương xứng với số tiền họ đã bỏ ra, pháp luật quy định cho phép cá nhân, thành viên hộ gia đình được để thừa kế tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê và người nhận thừa kế được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định. Chủ thể nhận thừa kế tài sản gắn liền với đất thuê cũng có đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ không khác gì so với chủ thể để lại di sản. Có thể thấy, về bản chất quy định này không tạo ra nhiều sự khác biệt về hệ quả so với cho phép để thừa kế quyền sử dụng đất trả tiền thuê đất hằng năm, cho thấy quy định của pháp luật về vấn để này khá hợp lý.

2.3. Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất năm 2020:

a) Thứ nhất, thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế.

Bước đầu tiên trong quy trình thủ tục để nhận thừa kế quyền sử dụng đất là những người thừa kế phải tiến hành khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế. Tùy trường hợp mà những người thừa kế tiến hành thủ tục khai nhận di sản hoặc thủ tục phân chia di sản như sau:

– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản: Nếu những người thừa kế muốn quyền sử dụng đất được chia cụ thể cho từng người, mỗi người có quyền sử dụng riêng thì sẽ lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Áp dụng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người.

– Văn bản khai nhận di sản: Nếu những người thừa kế muốn sở hữu chung quyền sử dụng đất, cùng quản lý và sử dụng thì lập văn bản khai nhận di sản. Áp dụng trong trường hợp người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

– Công chứng văn bản khai nhận di sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản quyền sử dụng đất được thực hiện tại phòng công chứng theo quy định của Điều 57, 58 Luật công chứng 2014. Theo đó, văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Người thừa kế phải nộp một bộ hồ sơ có các giấy tờ theo sự hướng dẫn của từng phòng công chứng, các giấy tờ đó thường là:

+ Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản (bắt buộc theo Khoản 2 Điều 57 Luật công chứng 2014). Bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật đất đại 2013 đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận.

+ Giấy chứng tử của người/những người để lại di sản.

+ CMND/căn cước công dân/hộ chiếu, hộ khẩu của những người thừa kế còn sống tại thời điểm làm thủ tục.

+ Giấy chứng tử, xác nhận phần mộ, giấy xác nhận/chứng minh quan hệ của những người thừa kế đã chết tại thời điểm làm thủ tục.

+ Trường hợp thừa kế theo pháp luật: Phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

+ Trường hợp thừa kế theo di chúc: Phải có bản sao hoặc bản gốc di chúc.

+ Trường hợp có các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế phải được thanh toán như thì cần có các giấy tờ, tài liệu liên quan về việc có nghĩa vụ tài sản, việc đã thanh toán hay chưa thanh toán các nghĩa vụ tài sản này.

– Kiểm tra hồ sơ công chứng: Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

– Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản: Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng. Mục đích của việc niêm yết là nhằm để xác định có hay không có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất mà lại niêm yết ở UBND thì không hợp lý.

b) Thứ hai, đăng ký di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế, người thừa kế quyền sử dụng đất là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Trình tự, thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây; Thời hạn giải quyết: Không quá 10 ngày.

3. Cách chia thừa kế nhà đất mới nhất năm 2020

3.1. Quy định về thừa kế đất đai, tài sản theo di chúc mới nhất

Dưới đây là những thông tin về điều kiện chi tiết để di chúc thừa kế đất đai hợp pháp:

Căn cứ Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp, di chúc thừa kế đất đai cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

▪ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

▪ Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

▪ Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

▪ Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

▪ Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự.

▪ Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, theo quy định của luật, di chúc miệng vẫn được công nhận nếu có mặt người làm chứng, di chúc được người làm chứng ghi chép lại cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

3.2. Quy định về thừa kế đất đai, tài sản không có di chúc

Trong trường hợp không có di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Dưới đây là những quy định về thừa kế đất đai, tài sản không có di chúc để bạn tham khảo và áp dụng vào thực tiễn.

3.2.1 Chia thừa kế đất đai theo quy định pháp luật

Điều kiện áp dụng:

▪ Không có di chúc để lại;

▪ Di chúc để lại không hợp pháp;

▪ Những người thừa kế theo di chúc để lại chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người đã lập di chúc; tổ chức, cơ quan kế thừa không còn vào thời điểm mở kế thừa;

▪ Những người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc từ chối quyền nhận thừa kế di sản hoặc người không có quyền hưởng di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau:

▪ Phần di sản còn lại không được định đoạt trong di chúc;

▪ Phần di sản sản không có hiệu lực pháp luật được để lại trong di chúc;

▪ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ từ chối nhận di sản, không có quyền hưởng di sản theo pháp luật, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập ra di chúc, liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Theo điều 676 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các hàng thừa kế:

hàng thừa kế trong bộ luật dân sự thừa kế tài sản đất đai

- Những người có quyền thừa kế trong luật đất đai cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định về thừa kế đất đai mới nhất, khi chồng chết, vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ là hàng thừa kế thứ nhất. Tiếp đó, hàng thừa kế theo luật đất đai thứ 2 là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết và hàng thừa kế thứ 3 theo luật thừa kế đất đai nhà cửa là cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết.

Căn cứ theo Điều 656 Bộ luật dân sự 2015 quy định về họp mặt những người thừa kế, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

▪ Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

▪ Cách thức phân chia di sản.

▪ Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế, và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế, hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.

Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

▪ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

▪ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

▪ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

▪ Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

3.2.2. Chia thừa kế đất đai theo di chúc

Bạn là người đứng tên thừa kế di sản trong di chúc để lại, để không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào về sau cần phải làm hồ sơ thủ tục khai nhận tài sản. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế là đất đai gồm có:

+ Bản sơ yếu lý lịch của người nhận di sản thừa kế;

+ CMND/hộ chiếu, sổ hộ khẩu của người nhận di sản và người để lại di sản;

+ Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền trong trường hợp thực hiện giao dịch qua người đại diện;

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất đứng tên người để lại di sản;

+ Bản di chúc gốc hợp pháp.

4. Luật sư Tia Sáng tư vấn thừa kế tài sản

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ tuyệt đối các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Những tài sản này không mất đi mà sẽ được chuyển dịch từ người này qua người khác, và khi chết con người có quyền để lại thừa kế cho những người đang sống.

Tư vấn về thừa kế tài sản là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ trong quan hệ dân sự. Tư vấn thừa kế về tài sản sản bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung sau đây:

▪ Dịch vụ tư vấn thừa kế tài sản theo di chúc: Thủ tục để làm di chúc theo đúng quy định của pháp luật về thừa kế để có bản di chúc hợp pháp, đảm bảo tính hiệu lực của di chúc. Tư vấn các vấn đề liên quan đến lập di chúc cho tài sản khác.

▪ Dịch vụ tư vấn thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc;

▪ Tư vấn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc;

▪ Tư vấn thừa kế tài sản theo pháp luật;

▪ Dịch vụ tư vấn thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc;

▪ Tư vấn về thừa kế thế vị (nếu có);

▪ Tư vấn về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ, quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế;

▪ Tư vấn về việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng chia tài sản chung, đang thực hiện thủ tục ly hôn, đã kết hôn với người khác;

▪ Tư vấn về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế;

▪ Tư vấn cách thức xác định nghĩa vụ tài sản do người chết để lại;

▪ Tư vấn cách thức xác định người quản lý di sản, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản;

▪ Tư vấn xác định việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm (nếu có);

▪ Tư vấn giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản.

Trên đây là toàn bộ những thông tin tìm hiểu quy định về thừa kế. Quý khách có những thắc mắc pháp luật liên hệ với Tia Sáng theo thông tin sau:

5. Thông tin liên hệ

Công ty Luật TNHH MTV TIA SÁNG

Địa chỉ: Phòng 2.3, tầng 2 tòa nhà Indochina. Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. ĐaKao, Q.1, TP. HCM

Phone: 0989.072.079 | 0906.219.287

Email: tiasanglaw@gmail.com

Đăng ký tư vấn