ĐÂM CHẾT KẺ HIẾP DÂM MÌNH, CÓ PHẠM TỘI?

https://tiasanglaw.com

ĐÂM CHẾT KẺ HIẾP DÂM MÌNH, CÓ PHẠM TỘI?

ĐÂM CHẾT KẺ HIẾP DÂM MÌNH, CÓ PHẠM TỘI?

Trong lúc giằng co, cô gái đâm hai nhát dao vào người kẻ hiếp dâm mình dẫn đến cái chết cho nạn nhân.

 

Theo điều tra ban đầu, Trần Kim Ngân và Lương Địch Lân quen nhau qua mạng xã hội. Vào khoảng 9 giờ 30 ngày 30/11/2016, Lân đến phòng trọ của Ngân ở quận 6 đón Ngân đi chơi, hai người chưa hẹn trước địa điểm đến. Lân chở Ngân đi ra phía quận 2, qua hầm Thủ Thiêm, Lân hỏi Ngân có thích đi chùa không thì Lân chở đến một ngôi chùa lớn ở quận 2 cho biết? Ngân nói lâu lâu cũng đi, vì vậy Lân chở Ngân đến một ngôi chùa ở quận 2 (chùa Huê Nghiêm).

Đi đến gần chùa, Lân hỏi Ngân có biết câu cá không thì Lân sẽ chở Ngân đến một cái hồ lớn phía sau chùa cho biết? Ngân trả lời không biết. Lân chở Ngân vào một con hẻm cặp bên chùa Huê Nghiêm đi vào phía trong, con hẻm vắng người qua lại, Lân chở Ngân đến phía sau chùa thì dừng lại. Tại đó có cột đèn có ánh sang có thể nhìn thấy mặt người đối diện ở cự ly gần.

Khi Lân dừng xe lại thì Ngân đòi đi về nhưng Lân bảo ngồi một tí cho mát rồi Lân chủ động gỡ nón bảo hiểm và khẩu trang cho Ngân. Lúc này Lân đứng dưới đất, xe gắn máy dựng chống nghiêng, còn Ngân vẫn đang ngồi trên yên xe. Được một lúc thì Lân bất ngờ ôm Ngân từ phía sau, Ngân phản ứng dẫn đến việc hai người vật lộn nhau ở dưới đất.

Khi thấy có ánh đèn xe từ xa, Ngân kêu lên để nhờ giúp đỡ thì Lân lấy con dao bấm mang theo ra kề vào cổ Ngân doạ giết. Ngân sợ quá nên không la nữa. Lúc này Lân đè Ngân xuống, ngồi trên bụng Ngân, Ngân dung tay chống cự, cào lên tay Lâm, hai đầu gối Ngân thục vào lưng của Lân, Lân nhỏm người dậy thì Ngân rút được hai chân co lên bụng đạp Lân 2-3 cái vào bụng, Lân nhóm người lên cao hơn một chút nữa, đầu vẫn cúi xuống mặt Ngân, hai tay vẫn đè giữ tay Ngân, tay trái Lân cầm dao, Lân tiếp tục cúi xuống hôn Ngân, Ngân cắn vào cổ Lân (cổ bên phải). Ngân tiếp tục lấy chân đạp Lân trúng vào đùi. Ngân giãy giụa và chụp được tay cầm dao của Lân. Lúc này Ngân có đà nên đứng được dậy, Lân cũng đứng dậy, hai người đứng đối diện nhau khoảng nửa mét, tay Ngân vẫn cầm tay trái Lân (tay đang cầm dao).

Hai bên giằng co thì lưỡi dao đâm vào bụng Lâm. Hai tay Ngân chụp lấy tay đang cầm dao của Lân đang ôm bụng, cắn vào bắp tay bên trái Lân và cắn tiếp vào bên ngực phải Lâm. Ngân giựt được con dao, cầm tay phải quay người bỏ chạy, Lân nắm giựt tay trái của Ngân, theo phản xạ Ngân quay lại quơ dao về hướng người Lân để giữ thăng bằng, lưỡi dao trúng vào người Lân nhưng Ngân không biết trúng vào đâu. Ngân bỏ chạy được 2 mét thì ném con dao vào bãi cỏ sau đó ra đường đón taxi về. Còn Lân cố chạy xe máy ra đường cầu cứu, nhưng tông vào hàng rào và gục chết do vết thương đâm thủng tim.

Ngày 15/12/2016 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố, điều tra Trần Kim Ngân về hành vi “Giết người”.

Trên đây là toàn bộ diễn biến vụ án từ lời khai của Trần Kim Ngân tại cơ quan điều tra.

           Hiện trường vụ án

 

Theo quan điểm của Luật sư Lê Thanh Trang – là luật sư bào chữa cho bị can Trần Kim Ngân từ giai đoạn điều tra, hành vi của bị can Ngân không phạm tội “Giết người” và thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự của bị can Trần Kim Ngân trong trường hợp Phòng vệ chính đáng.

Phân tích về mặt khách quan của tội phạm, bao gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả, thời gian, địa điểm, công cụ, điều kiện phám tội. Trong vụ án này, các dấu hiệu khách quan không đảm bảo về mặt cấu thành.

Phân tích về hành vi đâm người bị hại của bị can Ngân (quá trình, diễn biến hành vi cũng đã được cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm hiện trường), bị can Ngân đâm người bị hại tổng cộng 2 nhát, một nhát trúng vào bụng và nhát còn lại trúng vào tim gây ra cái chết cho nạn nhân. Tuy nhiên, xét về hành vi của bị can Ngân không thực hiện với chủ đích đâm người bị hại. Đối với nhát dao đầu tiên, bị can giằng co con dao với bị hại dẫn đến việc bị hại bị đâm vào bụng. Tại tình tiết này cần phải phân tích them, bị hại là nam giới, về khách quan, bị hại có sức khoẻ hơn bị can, lại là người chủ động cầm dao. Như vậy, việc xô xát dẫn đến dao đâm vào bụng bị hại (tại thời điểm đó bị hại cũng đang còn cầm dao) xét cho cùng không phải là hành vi của bị can mà vì trong lúc giằng co không may bị hại bị dao đâm vào bụng. Đây cũng là vết thương không dẫn đến cái chết của nạn nhân. Đối với nhát dao thứ hai, bị can giằng được dao từ tay bị hại rồi vùng quay người chạy đi thì bị người bị hại nắm tay trái giựt lại. Theo phản xạ, bị can đã quay người lại và quơ dao trúng bị hại nhưng không biết trúng vào đâu. Hành vi này của bị can về mặt khách quan là chỉ mong muốn thoát khỏi người bị hại, không chủ đích đâm người bị hại.

Xét các tính chất khách quan khác, tại địa điểm xảy ra vụ án, chỉ có một mình bị can đối diện với bị hại. Bị can là nữ, lại ở một địa điểm vắng vẻ trong đêm tối, xa nhà, bị can không có một cơ hội nào khác để tìm kiếm được sự trợ giúp ở bên ngoài, nên ngoài sự phản kháng mạnh mẽ của bản thân thì không còn cách nào khác. Đối nghịch với bị can, người bị hại là nam giới, lại là người chủ động thực hiện hành vi trái pháp luật đối với bị can, sắp xếp kế hoạch, chuẩn bị địa điểm thực hiện hành vi trái pháp luật, đồng thời còn có sự hỗ trợ của hung khí là dao Thái Lan. Nên, xét về khía cạnh tâm lý, bị hại là người có sự chuẩn bị về tâm lý trước, sẽ mạnh mẽ hơn và quyết tâm hơn; xét về khía cạnh sức khoẻ, bị hại là nam nên sẽ có sức khoẻ tốt hơn, đồng thời có hung khí dung để khống chế bị can, do vậy, bị hại còn mạnh mẽ hơn bị can rất nhiều.

Xét về mặt thời gian: Thời gian diễn ra sự việc là liên tiếp, không bị gián đoạn. Điều này chứng minh rằng bị can không có thời gian suy xét cho lựa chọn của mình, bị can không đủ thời gian để tìm cách thoát thân mà chỉ bằng sức lực bản thân để cố gắng thoát khỏi bị hại.

Về hậu quả của hành vi: Bị can hoàn toàn không ý thức được các vết đâm vào vị trí nào trên cơ thể người bị hại. trong quá trình giằng co, nhát đầu tiên đâm vào bụng bị hại là ngoài ý muốn của bị can. Nhát thứ hai bị can đâm trong tình trạng không ý thức mà theo phản xạ tự nhiên. Sau khi đâm bị hại, bị can bỏ chạy ngay sau đó.

Về mặt chủ quan: Bị can hoàn toàn không có động cơ, mục đích giết chết bị hại. Như phân tích ở khía cạnh khách quan, bị can chỉ mong muốn duy nhất là thoát khỏi ngay lập tức mối đe doạ trực tiếp đối với mình, là hành vi hiếp dâm của người bị hại. Tâm lý của bị can theo diễn biến vụ án là hoàn toàn sợ hãi, lo lắng. Bị can quyết tâm chống cự hành vi trái pháp luật của bị hại ngay từ đầu, nhưng không thoát được. Bằng chứng cho thấy sự chống cự quyết liết là bị can chống cự bằng tay, cào lên tay bị hại, kêu cứu, cắn vào cổ, lấy chân đạp vào bụng, vào đùi, cắn vào cánh tay trái, vào ngực phải của bị hại. Tất cả những tình tiết khách quan này cho thấy bị can đã chống cự một cách rất quyết liệt nhưng vẫn không thoát khỏi được tay bị hại. Ngay cả khi bị hại bị trúng một nhát dao vào bụng, bị can đã giựt được dao từ tay bị hại, bị hại vẫn không buông tha cho bị can mà còn nắm tay bị can giựt lại. Đỉnh điểm của chuỗi hành vi cũng cho thấy diễn biến tâm lý của bị can, từ chống cự bằng tay, bằng chân, bằng miệng, cào, cấu, cắn, đạp và cuối cùng là đâm bị hại hai nhát dao mới thoát ra khỏi bàn tay của bị hại, chứng tỏ bị can ra sức bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, trinh tiết của mình khỏi hành vi xâm phạm nghiêm trọng của bị hại, hoàn toàn không có động cơ, mục đích giết chết bị hại.

Như vậy, trên cơ sở phân tích các tình tiết, tính chất của vụ việc, không đủ căn cứ buộc Ngân tội “Giết người”.

Thứ hai: Hành vi của bị can là hành vi phòng vệ chính đáng, không phạm tội.

Như phân tích các tình tiết của vụ án nêu trên, bị can vô tội. Bị can là người bị đe doạ xâm hại về sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, trinh tiết. Trong hoàn cảnh cụ thể của bị can, bị can đang trong tình trạng bị dồn đến con đường cùng, không còn con đường nào khác là phải chống trả lại hành vi của bị hại nhằm thoát khỏi sự đe doạ này.

Xét về tương quan lực lượng giữa bị can và bị hại, xin nhắc lại, bị hại là nam giới, có sức khoẻ hơn bị can, đồng thời còn mang theo hung khí để khống chế bị can nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật đối với bị can. Như vậy, việc bị can giựt được con dao trong tay bị hại chỉ là may mắn, cùng lúc giựt được con dao trên tay bị hại, bị hại vẫn chưa chấm dứt hành vi trái pháp luật là nắm tay kéo bị can, do vậy theo phản xạ, bị can quay lại đâm bị hai nhát thứ hai dẫn đến cái chết cho bị hại. Đây rõ ràng là sự chống trả lại một cách cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm của người bị hại.

Luật sư Lê Thanh Trang giới thiệu quan điểm cá nhân đánh giá về mặt pháp lý đối với vụ án, rất mong sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các quý Luật sư đồng nghiệp. 

>>> TÌM HIỂU THÊM: Tội hình sự là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự

 

Đăng ký tư vấn