Vi phạm luật hình sự và các ví dụ hành vi vi phạm luật hình sự

https://tiasanglaw.com

Vi phạm luật hình sự và các ví dụ hành vi vi phạm luật hình sự

Vi phạm luật hình sự và các ví dụ hành vi vi phạm luật hình sự

1. Vi phạm hình sự là gì?

+ Vi phạm hình sự là hành động có tính chất xâm hại đến các quan hệ pháp luật hình sự (QHPLHS). QHPLHS là quan hệ xã hội phát sinh khi có một tội phạm xảy ra giữa Nhà nước và người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội.

+ Chủ thể:

- Nhà nước ủy quyền cho các cơ quan như: cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án…

- Người phạm tội (Là người thực hiện hành vi phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội).

2. Tội phạm hình sự và đặc điểm phân loại tội phạm theo luật hình sự

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm để hiểu cơ bản về vi phạm hình sự. Từ đó, Luật Tia Sáng sẽ đưa thêm đặc điểm và phân loại tội phạm hình sự để đọc giả có thể hiểu một cách tổng quan về chủ đề này.

2.1. Tội phạm vi phạm hình sự là gì?

Tội phạm vi phạm hình sự (Criminological) là những hành vi mang tính nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt được quy định trong bộ luật hình sự.

Được người sở hữu năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi một cách cố ý hoặc vô ý.

Hành vi đó gây xâm phạm những điều sau:

  • Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc,
  • Xâm phạm chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội,
  • Quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cũng như công dân,
  • Xâm phạm quyền con người
  • Xâm phạm lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
  • Tất cả phải đều chịu xử lý hình sự theo quy định của pháp luật dựa trên bộ luật hình sự.

Lưu ý, các hành vi có dấu hiệu của tội phạm, tuy nhiên lại có tính chất nguy hiểm với xã hội không cao thì không phải là tội phạm và phải được xử lý với các hình thức răn đe khác.

2.2. Các dấu hiệu của tội phạm vi phạm hình sự

+ Tính nguy hiểm cho xã hội

Được thể hiện ở chỗ gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được LHS bảo vệ

+ Tính có lỗi của tội phạm

Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả mà hành vi đó gây ra, biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý

+ Tính trái pháp luật hình sự

Có nghĩa là tội phạm về mặt hình thức phải được quy định trong BLHS. Khoản 2 điều 11 tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền quy định: “Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp”.

+ Tính phải chịu hình phạt

Tội phạm có tính chịu hình phạt nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào cũng bị đe dọa phải chịu hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế nhà nước.

2.3. Căn cứ phân loại tội phạm

Chúng ta sẽ phân loại dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm đối với xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong bộ luật hình sự, tội phạm vi phạm hình sự được chia thành bốn loại sau:

1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Lưu ý:

Để xác định một tội phạm theo điều 9 Bộ luật hình sự là loại tội phạm gì thì chỉ căn cứ vào mức tối đa của khung hình phạt mà không xác định mức tối thiểu.

Để xác định loại tội phạm thì dựa vào mức hình phạt do các nhà làm luật quy định chứ không phải phụ thuộc vào mức tòa án tuyên trên thực tế.

3. Các yếu tố cấu thành tội phạm

Một hành vi bị coi là tội phạm khi có đủ các yếu tố sau:

(i) Mặt khách quan, (ii) Mặt chủ quan, (iii) Mặt khách thể, và (iv) Mặt chủ thể.

3.1 Chủ thể của tội phạm

a) Khái niệm

Chủ thể của tội phạm phải là con người cụ thể đang sống đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS là tội phạm mà đối với họ có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và pháp nhân thương mại phạm tội đáp ứng các điều kiện chung

Đối với chủ thể pháp nhân đã được quy định, không áp dụng đối với các đơn vị vũ trang, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội…
Chủ thể của tội phạm là người phải có năng lực trách nhiệm hình sự và phải đạt độ tuổi luật định. Vì tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự là tiền đề để thừa nhận một người là có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Để xem xét đến yếu tố lỗi, trước tiên phải xem xét người thực hiện hành vi đã đạt đến độ tuổi luật định hay chưa và có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Tuy nhiên, không phải người nào đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự, thì quy là có lỗi. Do bởi, trong hoàn cảnh cụ thể,thì khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của họ là khác nhau. Độ tuổi luật định và năng lực trách nhiệm hình sự chỉ là tiền đề để xác định lỗi, chứ không phải mặc nhiên coi là họ có lỗi.

b) Các dấu hiệu của chủ thể tội phạm

- Dấu hiệu 1: Dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự

Có 2 dấu hiệu để nhận biết một người ko có năng lực trách nhiệm hình sự, dấu hiệu y học và dấu hiệu tâm lý.

Dấu hiệu y học: người không có năng lực trách nhiệm hình sự phải mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn tâm thần

Dấu hiệu tâm lý: thỏa mãn một trong 2 dấu hiệu về ý thức hoặc ý chí như sau:

Về ý thức: Bao gồm người phạm tội mất khả năng nhận thức mặt thực tế của hành vi hoặc mất khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi.

+ Về ý chí: Người bị bệnh mất khả năng điều khiển hành vi của mình.

- Dấu hiệu 2: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 12 BLHS thì người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Còn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi, thì phải xác định xem loại tội phạm mà người đó đang thực hiện là gì. Nếu là loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 268, 286, 287, 289, 290, 299, 303, 304 BLHS

Ví dụ:

Người 15 tuổi, vi phạm tội trộm cắp, khoản 1, Điều 138 (tội ít nghiêm trọng) không phải chịu trách nhiệm hình sự

Chú ý:

Tính tuổi của người phạm tội căn cứ vào giấy khai sinh. Trong trường hợp không có giấy khai sinh:

Nếu xác định được tháng cụ thể nhưng không xác định được ngày nào trong tháng đó, thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của người phạm tội

  • Nếu xác định được năm sinh, biết được sinh vào quý nào, mà không biết được sinh vào ngày tháng nào, thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của quý đó là ngày sinh của người phạm tội
  • Nếu xác định được năm sinh, mà chỉ biết được sinh vào nửa đầu năm hay nửa cuối năm, mà không biết được sinh vào ngày tháng nào trong nửa đầu năm hay nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30/6 hoặc 31/12 làm ngày sinh của người phạm tội
  • Trong trường hợp đặc biệt không biết được năm sinh, thì phải trưng cầu giám định (dựa vào sự phát triển của xương)

+ Chủ thể đặc biệt của tội phạm (Điều 124)

LHS có 1 số tội danh, trong đó, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm trên thực tế thỏa mãn cả 2 điều kiện: năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi luật định, họ vẫn chưa trở thành chủ thể của tội phạm, mà họ cần phải thỏa mãn một số điều kiện khác.

Chủ thể đặc biệt của tội phạm là người ngoài các dấu hiệu của chủ thể thường (có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) còn có thêm các dấu hiệu đặc biệt khác mà chỉ khi có các dấu hiệu này họ mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm tương ứng.

3.2 Mặt khách quan của tội phạm

a) Khái niệm

Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, diễn ra trong thế giới khách quan mà con người có thể nhận biết trực tiếp.

b) Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

  • Hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội;
  • Hậu quả nguy hiểm cho xã hội;
  • Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả;
  • Các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội như công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội….

Trong các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm, có dấu hiệu là bắt buộc, có dấu hiệu là không bắt buộc. Dấu hiệu hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội luôn là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Ngoài ra trong cấu thành tội phạm vật chất, thì dấu hiệu hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Ngoài ra, đối với một số hành vi, trong luật còn có quy định một số dấu hiệu khác là dấu hiệu bắt buộc

Ví dụ: Tội đua xe trái phép.

3.3 Mặt chủ quan của tội phạm

a) Khái niệm:

Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do họ thực hiện và hậu quả do hành vi đó gây ra.

b) Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm:

Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm các dấu hiệu: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội

Trong 3 yếu tố này, yếu tố lỗi là dấu hiệu bắt buộc trong mọi cấu thành tội phạm, còn 2 yếu tố động cơ và mục đích phạm tội, thì còn tùy thuộc vào cấu thành tội phạm có quy định đó là dấu hiệu bắt buộc hay không.

c) Các hình thức lỗi

i) Lỗi cố ý trực tiếp (khoản 1, Điều 10 BLHS): Cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

- Dấu hiệu pháp lý của lỗi cố ý trực tiếp

  • Đối với hành vi: nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho XH của hành vi
  • Đối với hậu quả: thấy trước hậu quả của hành vi đó tất yếu xảy ra hoặc có thể xảy ra.
  • Ý chí: Người cố ý trực tiếp mong muốn hậu quả phát sinh

ii) Lỗi cố ý gián tiếp (khoản 2, Điều 10 BLHS): Cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

- Dấu hiệu pháp lý của lỗi cố ý gián tiếp

  • Đối với hành vi: nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho XH của hành vi
  • Đối với hậu quả: thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra.
  • Ý chí: Người có lỗi cố ý gián tiếp không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho XH xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh

Ví dụ 1: A nảy sinh ý định giết B, đến nhà của B thấy B đang mở cửa đi vào, trong ý thức của A nhắm vào tim B bắn 2 phát. A bắn 2 phát trúng tim B làm B chết. A nhận thức được hành vi là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả là tất yếu có lỗi cố ý trực tiếp

Ví dụ 2: A nảy sinh ý định giết B, đến nhà của B thấy B đang mở cửa đi vào, trong ý thức của A nhắm vào tim B bắn 2 phát. Tuy nhiên, khi A bắn vào B, B né được, trúng tay, gây thương tích A nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả là tất yếu xảy ra có lỗi cố ý trực tiếp. Hai trường hợp này giống nhau về thái độ tâm lý (mặt bên trong). Thái độ tâm lý là có trước khi thực hiện hành vi. Chứ không phải có hậu quả chết người xảy ra thì là tất yếu, không có thì là không tất yếu.

iii) Lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin (Khoản 1 Điều 11 BLHS): Lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện được và đã gây ra hậu quả nguy hại đó.

- Dấu hiệu pháp lý của lỗi vô ý vì quá tự tin

Đối với hành vi: nhận thức được tính nguy hiểm cho XH của hành vi nhưng ở mức độ hạn chế

Đối với hậu quả: thấy trước hậu quả nguy hại cho XH mà hành vi của mình có thể gây ra

Ý chí: không mong muốn gây ra hậu quả nguy hiểm cho XH

Ví dụ: Vượt đèn đỏ va vào người đi đường làm người qua đường chết (nhận thức được tính nguy hiểm cho XH của hành vi nhưng ở mức độ hạn chế, biết được hậu quả nguy hại cho XH mà hành vi của mình có thể gây ra). Trước khi vượt, thái độ tâm lý là tin tưởng mình vượt qua được. Tuy nhiên, cơ sở để tin tưởng rằng hậu quả sẽ không xảy ra phải vững chắc, vì việc này liên quan đến trường hợp phân biệt lỗi. Và việc phân biệt lỗi sẽ ảnh hưởng đến định tội danh.

iv) Lỗi vô ý phạm tội vì cẩu thả (Điều 10 BLHS)

Vô ý phạm tội vì cẩu thả là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước (hậu quả này)- Dấu hiệu pháp lý của lỗi vô ý do cẩu thả.

Do cẩu thả mà không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho XH đồng thời không thấy trước được hậu quả của hành vi đó

Người phạm tội có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả nguy hiểm cho XH (được xác định trên cơ sở các điều kiện khách quan và chủ quan của người có hành vi)

3.4. Khách thể của tội phạm

a) Khái niệm:

Khách thể của tội phạm là yếu tố cấu thành bắt buộc của tất cả tội phạm, đồng thời là các quan hệ xã hội được Luật hình sự xác lập và bảo vệ bị tội phạm xâm hại bằng cách gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trong một chừng mực nhất định

Lưu ý:

(i) Không phải mọi quan hệ trong đời sống xã hội đều là đối tượng bảo vệ của luật hình sự

(ii) Luật hình sự chỉ bảo vệ một số quan hệ xã hội được ghi nhận trong Bộ luật hình sự (Điều 1 BLHS và Điều 8 BLHS)

b) Các loại khách thể của tội phạm

+ Khách thể chung của tội phạm: Là tổng hợp các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của tội phạm. Khách thể chung được quy định tại Điều 1 và Điều 8 BLHS.

+ Khách thể loại của tội phạm: Là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được bảo vệ bởi một nhóm các QPPL hình sự và bị một nhóm tội phạm xâm hại của nhóm tội phạm. Khách thể loại được quy định tại mỗi chương Phần các tội phạm BLHS

+ Khách thể trực tiếp của tội phạm: Là quan hệ xã hội cụ thể bị loại tội phạm cụ thể trực tiếp xâm hại. Quan hệ xã hội cụ thể là quan hệ xã hội thể hiện rõ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

c) Đối tượng tác động của tội phạm

- Định nghĩa: Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự

- Một số loại đối tượng tác động của tội phạm

  • Con người
  • Các đối tượng vật chất
  • Hoạt động bình thường của chủ thể quan hệ xã hội

QUÝ KHÁCH THAM KHẢO THÊM: TỘI HÌNH SỰ VÀ CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI HÌNH SỰ

4. Các đặc điểm, dấu hiệu của cấu thành tội phạm

a) Các đặc điểm của Cấu thành tội phạm

+ Các dấu hiệu của Cấu thành tội phạm đều do luật định

Về nguyên tắc: không có tội, không có hình phạt nếu không có luật (Điều 2 BLHS). Điều 8 BLHS quy định: Tội phạm là hành vi được quy định trong BLHS

+ Dấu hiệu của Cấu thành tội phạm có tính đặc trưng

Có nghĩa là trong sự kết hợp với nhau, những dấu hiệu này vừa phản ánh được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm nhất định vừa đủ cần thiết cho phép phân biệt tội này với tội khác.

+ Dấu hiệu của Cấu thành tội phạm có tính bắt buộc

Để kết luận hành vi của người phạm tội cụ thể đòi hỏi phải xác định hành vi được thực hiện đã thỏa mãn những dấu hiệu của Cấu thành tội phạm.

b) Phân loại cấu thành tội phạm

(i) Phân loại theo mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được cấu thành tội phạm phản ánh

- Cấu thành tội phạm cơ bản: Là Cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội- dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác

- Cấu thành tội phạm tăng nặng: là Cấu thành tội phạm mà ngoài những dấu hiệu định tội còn có những dấu hiệu định khung tăng nặng.

- Cấu thành tội phạm giảm nhẹ: là Cấu thành tội phạm mà ngoài những dấu hiệu định tội còn có những dấu hiệu định khung giảm nhẹ.

(ii) Phân loại theo đặc điểm cấu trúc của Cấu thành tội phạm

- Cấu thành tội phạm vật chất là Cấu thành tội phạm mà mặt khách quan có các dấu hiệu hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả là dấu hiệu bắt buộc.

- Cấu thành tội phạm hình thức là Cấu thành tội phạm mà mặt khách quan chỉ có hành vi là dấu hiệu bắt buộc.

- Cấu thành tội phạm cắt xén là Cấu thành tội phạm mà mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi là dấu hiệu bắt buộc. Hành vi mô tả trong Cấu thành tội phạm cắt xén chỉ là một phần hay một giai đoạn của hành vi mà người phạm tội muốn thực hiện.

vi phạm hình sự là gì

Lưu ý:

1. Để xác định Cấu thành tội phạm vật chất, hình thức hay cắt xén thì phải dựa vào Cấu thành tội phạm cơ bản.

2. Để xác định Cấu thành tội phạm vật chất, hình thức hay cắt xén thì phải dựa vào dấu hiệu luật định, chứ không dựa vào việc quả thực tế xảy ra như thế nào. Ví dụ tội trộm cướp tài sản luôn luôn là hình thức, tội trộm cắp tài sản luôn luôn là vật chất, bất kể hậu quả xảy ra như thế nào

3. Tội giết người trong Điều 123 là Cấu thành tội phạm vật chất, dù rằng trong quy định không đề cập đến hậu quả.

5. Khi nào người vi phạm hình sự bị khởi tố?

Khởi tố vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng độc lập, mở đầu các hoạt động điều tra. Trong giai đoạn này, cơ quan có thẩm quyền khởi tố tiến hành các hoạt động để xác định dấu hiệu của tội phạm. Khởi tố vụ án hình sự được ghi nhận trong các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự từ năm 1960 và ngày càng được hoàn thiện. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự quy định khởi tố vụ án hình sự là một chương của Bộ luật, trong đó, quy định các căn cứ, thẩm quyền và thủ tục khởi tố vụ án hình sự. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì khi xác định có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Đơn vị bộ đội biên phòng, cơ quan hải quan, cơ quan kiểm lâm ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lí của mình. Các cơ quan khác trong lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu phạm tội thì có quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự. Toà án ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

Quyết định khởi tố vụ án vi phạm hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng. Quyết định khởi tố vụ án hình sự không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhưng trong thời hạn 24 giờ, quyết định khởi tố của Cơ quan điều tra, đơn vị bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm phải được gửi đến Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố; quyết định khởi tố của Toà án được gửi đến Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra; quyết định khởi tố của Viện kiểm sát được gửi đến Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

6. Phân biệt Vi phạm hành chính và vi phạm hình sự 2022

phân biệt vi phạm hành chính và vi phạm hình sự

Việc phân biệt vi phạm hành chính với tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động áp dụng pháp luật, nó chính là cơ sở để áp dụng các loại trách nhiệm pháp lý khác nhau nhằm bảo đảm đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm hành chính và tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

7. Những hành vi nào được xem là tội phạm hình sự

Hành vi vi phạm hình sự là những hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động, thỏa mãn những dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự cụ thể theo từng loại tội phạm, hành vi phạm tội là những hành vi trái với quy định của pháp luật, hành vi vi phạm hình sự bao gồm dấu hiệu chủ thể, mặt chủ quan, mặt khách quan để cấu thành tội phạm.

Những dấu hiệu này được thể hiện như sau:

– Về chủ thể thực hiện hành vi phải là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, đáp ứng được những dấu hiệu của từng loại tội phạm cụ thể.

– Về mặt chủ quan thì hành vi này phải được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động gây ra hậu quả, có tính chất nguy hiểm cho xã hội.

– Về mặt khách quan thì phải thể hiện thông qua hành vi có lỗi, cụ thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Các trường hợp không xác định được lỗi không thể xác định là hành vi phạm tội, hay chưa đủ để cấu thành tội phạm.

Thực hiện hành vi phạm tội là việc chủ thể đủ năng lực trách nhiệm hình sự là cá nhân hay pháp nhân thực hiện các hành vi có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Thực hiện hành vi phạm tội thông qua hành vi cố ý hoặc hành vi vô ý:

– Hành vi cố ý phạm tội là việc chủ thể đã nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, biết được hậu quả xảy ra và mong muốn hoặc không mong muốn nó xảy ra nhưng vẫn để cho hậu quả xảy ra.

– Hành vi vô ý phạm tội là người phạm tội có thể thấy trước hành vi của mình, hoặc không thấy trước hành vi của mình gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và cho rằng hậu quả đó không xảy ra, không biết hậu quả đó sẽ rảy ra, không thể ngăn được hậu quả xảy ra.

> TÌM HIỂU THÊM: Xử lý các tội phạm ma túy theo bộ luật hình sự 2015

8. Các ví dụ về hành vi vi phạm hình sự mới nhất năm 2022

Ví dụ vi phạm hình sự 1:

A có hành vi trộm cắp dây điện thoại đang sử dụng (được xác định là công trình theo danh mục của chính phủ) nên hành vi của A vừa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu vừa gây thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc. Tuy nhiên, thiệt hại an toàn thông tin liên lạc mới thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mà A thực hiện. Do đó, căn cứ theo BLHS thì hành vi này của cấu thành tội phá hoại công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303) chứ không phải tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS).

Ví dụ vi phạm hình sự 2:

T lập kế hoạch và bàn bạc với M và P cướp tiền của những người mới lĩnh tiền từ Ngân hàng Đ. T phân công cho M dùng dao đe doạ người bị tấn công, còn M lao vào cướp tiền rồi lên xe máy do T đang đứng đợi sẵn. Vậy T, M và P phạm tội gì và theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 thì cướp tài sản có tổ chức được hiểu là hai hay nhiều người cố ý cùng thực hiện tội cố ý cướp tài sản mà giữa họ có sự cấu kết chặt chẽ để thực hiện tội phạm (có sự bàn bạc, chuẩn bị chu đáo, vạch trương trình kế hoạch phạm tội, phân công vai trò, vị trí của từng người), trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên không phải vụ án cướp tài sản có tổ chức nào cũng đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức nhưng nhất định phải có người thực hành và người tổ chức thì mới phạm tội có tổ chức.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể có những hành vi như: khởi sướng việc phạm tội; vạch kế hoạch thực hiện tội phạm cũng như kế hoạch che giấu tội phạm; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện tội phạm; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm...

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm như: trực tiếp cầm dao chém người bị tấn công, trực tiếp cầm súng đe doạ người bị tấn công hay trực tiếp chiếm đoạt tài sản của người bị tấn công...

Như vậy, trong vụ án cướp tài sản trên thì có ba người đó là T, M và P cùng cố ý thực hiện tội cướp tài sản, trong đó T là người tổ chức vì là người vạch kế hoạch, chủ động bàn bạc với M và P thực hiện hành vi cướp tài sản và phân công trách nhiệm cho M và P, còn M và P là những người thực hành vì có hành vi trực tiếp dùng dao đe doạ và cướp tài sản của người bị tấn công. Do đó T, M và P đã phạm tội cướp tài sản với tình tiết có tổ chức được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ví dụ vi phạm hình sự 3:

H là thợ điện dựng xe máy loại xe LEAD có giá trị 35 triệu đồng ở ven đường để trèo lên cột điện sửa chữa điện nhưng quên không rút chìa khoá. C đi qua thấy vậy liền tiến đến xe máy của H, gạt chân chống xe lên rồi nổ xe phóng đi. H ở trên cột điện nhìn thấy C lấy xe máy của mình nhưng không làm gì được. Vậy C có phạm tội không? Nếu có thì đó là tội gì?

Trả lời:

C có hành vi công khai, ngang nhiên, trắng trợn chiếm đoạt tài sản (lấy xe máy của H có giá trị 35 triệu đồng), H là chủ xe máy biết là C lấy xe máy của mình mà không thể giữ được. Hành vi đó của C là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Do đó C đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt” nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, ngang nhiên. Người phạm tội lấy tài sản ngay trước mắt chủ sở hữu tài sản mà người này không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai).

Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi chiếm đoạt tài sản, chủ sở hữu tài sản biết ngay người lấy tài sản của mình nhưng không thể giữ được.

Ví dụ vi phạm hình sự 4:

T và K đang cắt lúa ở cánh đồng thì đột nhiên K bị cảm, thấy vậy T liền bế K lên đường thì nhìn thấy xe máy của G đang để ở ven đường, xe không khoá. T đặt K ngồi lên xe máy đó và nổ máy với mục đích để đưa K vào bệnh viện cấp cứu. G đang tắm ở dưới ao nhìn thấy T lấy xe của mình nhưng cũng không làm gì được. Vậy T có phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không thể có mục đích chiếm đoạt tài sản trong hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội, vì hành vi chiếm đoạt tài sản đã bao hàm mục đích của người phạm tội.

Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, T lấy công khai lấy xe máy của G nhưng không có mục đích chiếm đoạt mà chỉ có mục đích đưa K đi bệnh viện cấp cứu vì K bị cảm, do đó T không phạm tội công nhiêm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự.

Ví dụ vi phạm hình sự 5:

H đang đi xe máy loại xe Jupiter vừa mới mua với giá 24 triệu đồng thì K là người quen của H vẫy tay xin đi nhờ. H dừng xe lại và đèo K đi cùng. Khi đi được một lúc thì H dừng xe trước quán nước và bảo K cùng vào quán uống nước. Lợi dụng lúc H đi rửa tay thấy xe vẫn đang mở khoá, K liền nổ máy phóng xe máy của H đi đến chợ T bán xe lấy tiền tiêu xài. Khi H rửa tay quay ra và hỏi Đ là chủ quán về xe của mình thì Đ vẫn tưởng xe đó là xe của K. Vậy K phạm tội gì?

Trả lời:

Lợi dụng lúc H đi rửa tay, K đã lén lút (bí mật) lấy xe máy của H và mặc dù K lấy xe máy của H ngang nhiên trước mặt Đ là chủ quán nước nhưng đó chỉ là ý thức che giấu tính hợp pháp cho hành vi của K để cho Đ tưởng đó là xe máy của K. Do đó hành vi của K chính là hành vi trộm cắp tài sản nên K đã phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 thì mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản thể hiện ở hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mà người này không hề hay biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt, chỉ sau khi mất thì thì người đó mới biết bị mất tài sản.

Tính chất lén lút, bí mật của hành vi trộm cắp tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội che giấu, giấu diếm hành vi chiếm đoạt tài sản của mình đối với chủ sở hữu tài sản.

Người phạm tội không những chỉ có ý thức bí mật đối với người quản lý tài sản mà còn bí mật đối với người xung quanh khu vực có tài sản nhưng có những trường hợp người phạm tội không hề che giấu hành vi trộm cắp tài sản đối với người xung quanh nhưng lại có những hành động để người xung quanh tưởng lầm đó không phải là hành vi trộm cắp tài sản. Ví dụ như: giả vờ đi nhờ xe để người xung quanh tưởng nhầm là xe của người đó và đợi cho đến khi chủ sở hữu của xe đó sơ hở, mất cảnh giác thì trộm cắp xe.

Hậu quả của tội trộm cắp tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 500.000 đồng trở lên mới cấu thành tội trộm cắp tài sản, nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 500.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người có hành vi trộm cắp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Tội phạm được hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Để xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt trong từng trường hợp cụ thể.

- Nếu tài sản bị chiếm đoạt nhỏ, gọn thì tội trộm cắp hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội đã giấu được tài sản đó trong người.

Trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt to, cồng kềnh thì tội trộm cắp hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội mang tài sản đó ra khỏi nơi quản lý của chủ sở hữu.

> TÌM HIỂU THÊM: Xử lý hành vi bôi nhọ danh dự người khác theo luật hình sự

> TÌM HIỂU THÊM: Các quy định pháp luật về tội tham ô trong luật hình sự

9. Dịch vụ luật sư bào chữa hình sự của Luật Tia Sáng

Việc yêu cầu luật sư bào chữa giỏi, nhiều kinh nghiệm sẽ mang lại lợi ích cho thân chủ trong vụ án hình sự. Luật sư luôn giúp thân chủ bảo vệ quyền lợi của mình hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Công ty Luật Tia Sáng cung cấp dịch vụ luật sư với tư cách:

  • Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo
  • Luật sư bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người bị hại và các đương sự khác

Quy trình tiếp nhận và cung cấp dịch vụ

  • Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu và yêu cầu của khách hàng;
  • Bước 2: Luật Tia Sáng tiếp nhận và gửi Thư trao đổi tư vấn định hướng và báo phí dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng;
  • Bước 3: Khách hàng và Luật Tia Sáng ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý và thanh toán phí theo thỏa thuận;
  • Bước 4: Luật sư chuyên môn phụ trách nghiên cứu và xử lý các công việc tư vấn cho khách hàng cũng như thực hiện công việc tại Công an, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp;
  • Bước 5: Luật sư chuyên môn phụ trách thông báo tiến độ xử lý tại Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và tư vấn hướng giải quyết tiếp theo cho đến khi quyền lợi của khách hàng được bảo đảm;

9.1. Lý do nên chọn dịch vụ luật sư bào chữa của Luật Tia Sáng

  • Mức phí luật sư phù hợp. Mức phí sẽ tùy vào trách nhiệm của luật sư, vụ án... Quý khách hàng vui lòng liên hệ để được tư vấn chính xác.
  • Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, toàn tâm vì khách hàng.
  • Khách hàng được tư vấn đầy đủ và toàn diện về vụ án, đường lối giải quyết vụ án.
  • Luật sư sẵn sàng tham gia các giai đoạn của vụ án hình sự (điều tra, truy tố, xét xử), tham gia xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (giám đốc thẩm, tái thẩm).
  • Luôn giúp khách hàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, giảm tối đa trách nhiệm hình sự

9.2. Cam kết chất lượng dịch vụ

Với tôn chỉ “Tận tâm – Uy tín – Hiệu quả”, công ty Luật Tia Sáng cam kết với khách hàng về chất lượng dịch vụ luật sư hình sự. Bên cạnh đảm bảo về chất lượng dịch vụ pháp lý, đảm bảo thực hiện công việc theo đúng quy định pháp luật, đúng lương tâm, đạo đức hành nghề của một luật sư, chúng tôi còn mang đến sự hài lòng và an tâm đến quý khách hàng.

Không chỉ thế, dịch vụ luật sư hình sự của công ty Luật Tia Sáng luôn luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu. Chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, cống hiến tri thức pháp luật đến khách hàng, mang lại hiệu quả công việc cho khách hàng.

Bên cạnh những quyền lợi và cam kết về chất lượng dịch vụ, công ty Luật Tia Sáng còn có một ưu đãi đặc biệt đối với những khách hàng đã tin tưởng và đã sử dụng dịch vụ luật sư hình sự của công ty đó là chính sách hậu mãi. Cụ thể là khi đã quý khách hàng đã sử dụng qua dịch vụ của chúng tôi thì đến những lần sử dụng tiếp theo, quý khách hàng có thể sẽ được tư vấn và hỗ trợ các vấn đề pháp lý MIỄN PHÍ.

10. Thông tin liên hệ

Công ty Luật TNHH MTV TIA SÁNG
Địa chỉ: Phòng 2.3, tầng 2 tòa nhà Indochina. Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. ĐaKao, Q.1, TP. HCM
Số điện thoại: 0989.072.079 | 0906.219.287
Email: tiasanglaw@gmail.com

Trân trọng!



 

Đăng ký tư vấn